(PTTD) - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có tác động tích cực trong đẩy lùi các tệ nạn, các hủ tục lạc hậu, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN)
Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Gia Lai đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, điều đó được thể hiện việc ban hành các văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động cụ thể. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Gia Lai từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh đã đưa các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện Phong trào, được thể hiện ở các văn bản: Kế hoạch số 1888/KH-UBND về phê duyệt kế hoạch tuyên truyền Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến năm 2020 và các Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 15/7/2013 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh Gia Lai; Quyết định số 35/QĐ-BCĐ ngày 20/9/2013 của Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Quyết định 801/QĐ-UBND ngày 27/5/2010 về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Gia Lai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định 639/QĐ-UBND ngày 21/8/2017 về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành văn hóa tỉnh Gia Lai đến năm 2020.
Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương phù hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương; quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí thực hiện Phong trào; ưu tiên đảm bảo kinh phí cho Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp; chú trọng đến tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, sửa chữa nâng cấp một số thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt quan tâm việc công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, làng (thôn, ấp, bản, tổ dân phố) văn hóa và tương đương, biểu dương, khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện Phong trào.
Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Gia Lai đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo quy chế tổ chức và hoạt động Ban Chỉ đạo. Được thể hiện qua các chỉ tiêu đạt được như: Năm 2017 có 256.334/ 339.819 gia đình văn hóa, đạt 75,43%; có 22 /38 phường, thị trấn đạt Danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” (đạt tỷ lệ 58%); 67% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa thu hút được 45.096 người đến tham gia các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên; 48 xã đạt Danh hiệu xã văn hóa nông thôn mới; 22 /38 phường, thị trấn đạt Danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” (đạt tỷ lệ 58%); 68 xã, phường, thị trấn có Nhà Văn hóa được xây dựng riêng (chiếm 30,63%); 72% Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn; 22/38 phường, thị trấn đạt Danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” (đạt tỷ lệ 58%).
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp được kiện toàn, đúng quy định, có quy chế hoạt động, phân công các thành viên Ban Chỉ đạo theo dõi, phụ trách các đơn vị. Tổ chức thực hiện phong trào đạt hiệu quả và chất lượng. Phong trào đã có tác động tích cực trong kìm hãm và đẩy lùi các tệ nạn, các hủ tục lạc hậu, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả xã hội của các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả xã hội của các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh Gia Lai còn hạn chế: Việc phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về Phong trào chưa được thường xuyên; hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, nhất là cấp cơ sở vẫn là khâu yếu; việc đảm bảo kinh phí hoạt động Phong trào và xã hội hóa văn hóa còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, duy trì và phát triển Phong trào còn dựa vào sự đầu tư của Nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Phong trào còn nhiều hạn chế, thúc đẩy các nguồn lực xã hội hóa đầu tư, hỗ trợ thực hiện Phong trào chưa tương xứng với điều kiện, tiềm năng của địa phương, vẫn còn tình trạng sinh con thứ 3; ngộ độc thực phẩm, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Gia Lai phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền như: Số lượng khu dân cư và các đơn vị doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân chưa tham gia triển khai, thực hiện Phong trào còn chiếm tỷ lệ cao. Công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức, nội dung tuyên truyền về trách nhiệm xây dựng đời sống văn hóa chưa được cụ thể hóa, biện pháp tuyên truyền chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Chất lượng của một số danh hiệu trong Phong trào còn nhiều bất cập như: Tại một số địa phương, quá trình tổ chức thực hiện việc bình bầu, công nhận danh hiệu chưa thực hiện nghiêm túc, còn chạy theo thành tích làm giảm ý nghĩa, giá trị của các danh hiệu văn hóa. Nhiều làng (thôn, ấp, bản…) sau khi được công nhận, có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu, dẫn đến giảm sút về chất lượng. Việc triển khai xây dựng và công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đạt chuẩn văn hóa còn nhiều vướng mắc; Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở chưa được tổ chức, khai thác, phát huy đầy đủ. Nhiều nhà văn hóa còn thiếu trang thiết bị, nội dung hoạt động nghèo nàn, chưa thu hút được người dân tham gia.