Tin tức - Sự kiện

Đổi mới giải pháp truyền thông nâng cao hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

13 Tháng Bảy 2018

(PTTD) – Đổi mới giải pháp truyền thông trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu bức thiết mà ngành văn hóa nói chung và cán bộ làm công tác văn hóa cần nghiên cứu, ứng dụng để  nâng cao hiệu quả, chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH).

Nâng cao hiệu quả Phòng trào TDĐKXDĐSVH qua truyền thông

Công tác truyền thông vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp để đưa nội dung Phong trào TDĐKXDĐSVH vào đời sống. Thấy rõ được vai trò, ý nghĩa của công tác tuyên truyền, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2478/QĐ-TTg ngày 30/12/2015 về Phê duyệt Đề án truyền thông về phát triển Phong trào TDĐKXDĐSVH. Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, công tác tuyên truyền về Phong trào đã thu được nhiều kết quả quan trọng, từ nhận thức đến trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân; từ thành thị đến miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, nhờ đó mà kết quả xây dựng gia đình văn hóa, cộng đồng văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa ngày càng phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng; đã huy động được sự tham gia của toàn dân, của mọi độ tuổi, thành phần xã hội cùng chăm lo xây dựng đời sống văn hóa.

Tuy nhiên, không phải lúc nào, nơi nào, địa phương nào, ngành nào cũng thực hiện tốt công tác truyền thông về Phong trào, nhất là trong điều kiện truyền thông phát triển dưới nhiều hình thức và sức “chiếm lĩnh” ngày càng mạnh của mạng xã hội, phương thức truyền thông về Phong trào hiện nay có phần “đuối” hơn so với yêu cầu thực tế, nhất là trong xa lộ truyền thông đa phương tiện phát triển nhanh chóng. Do đó, ngay từ nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Phong trào ở một số địa phương, cơ quan còn phiến diện, chưa thấy được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện Phong trào; chưa gắn kết tốt hơn giữa xây dựng Phong trào với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ở cộng đồng dân cư; giữa Phong trào với xây dựng đạo đức công vụ và môi trường làm việc văn minh…nên kết quả Phong trào chưa thực chất, chưa phản ánh đúng chất lượng xây dựng đời sống văn hóa.

Bên cạnh đó, với tác động đa chiều của hội nhập văn hóa và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, đã tác động tiêu cực đến chủ thể văn hóa, làm cho Phong trào chưa phát huy được giá trị tốt đẹp trong đời sống gia đình, cộng đồng và xã hội. Trước những vấn đề từ thực tiễn đặt ra, đòi hỏi công tác truyền thông phải đổi mới mạnh mẽ cả về phương thức, cách thức, tốc độ và tiện ích để đưa nội dung Phong trào vào đời sống một cách hấp dẫn, động viên được mọi người tích cực tham gia.

Truyền thông nói chung đang phát triển rất mạnh mẽ, nhất là trên môi trường truyền thông số, trong đó truyền thông về nội dung Phong trào TDĐKXDĐSVH là một nội dung quan trọng trong môi trường truyền thông hiện đại. Vì vậy, đổi mới giải pháp truyền thông trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu bức thiết mà ngành văn hóa nói chung và cán bộ làm công tác văn hóa cần nghiên cứu, ứng dụng để theo kịp với xu thế, phù hợp với nhu cầu tiếp cận thông tin trong xã hội hiện nay, để truyền thông về Phong trào không bị lạc lõng giữa môi trường truyền thông hiện đại, từ đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả, chất lượng Phong trào TDĐKXDĐSVH.

Một số giải pháp truyền thông về Phong trào TDĐKXDĐSVH 

Dữ liệu hóa quốc gia nội dung truyền thông để tận dụng tiện ích truyền thông đa phương tiện và internet tiến đến thành lập mạng truyền thông kết nối các thiết chế văn hóa ở cấp quốc gia. Giải pháp này cho phép chia sẻ tối đa nội dung tuyền thông về Phong trào trên tiện ích truyền thông, nhất là trên giao diện điện tử tương tác với các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị nghe, nhìn khác. Lập cơ sở dữ liệu quốc gia về Phong trào làm cơ sở tham chiếu để đánh giá kết quả, chất lượng Phong trào. Cơ sở dữ liệu này cho phép cán bộ làm công tác văn hóa trên cả nước sử dụng để so sánh, cập nhật, tham khảo, sử dụng để triển khai thực hiện Phong trào; đồng thời có thể sử dụng để xây dựng trang thông tin điện tử hoặc chuyên trang, chuyên mục về phong trào trên trường internet.

Thực hiện dữ liệu hóa nội dung truyền thông về Phong trào với dữ liệu hóa dân cư, giúp việc tra cứu số liệu về xây dựng gia đình văn hóa thuận lợi, từ đó có thể thống kê mức độ tăng, giảm, biến động về số liệu kết quả Phong trào, đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý, cơ quan có chức năng thực hiện Phong trào thực hiện tốt công tác phối hợp trong quản lý, triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng văn hóa trong gia đình, cộng đồng dân cư và cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, đồng bộ hóa với chương trình Chính phủ điện tử để thực hiện các hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến trong triển khai thực hiện Phong trào để giảm bớt các chi phí văn phòng, chi phí hội nghị, đồng thời giúp việc quản lý hoạt động phong trào đảm bảo chặt chẽ, khoa học hơn. Mở Hộp thư hỏi- đáp trực tuyến về Phong trào trên trang thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trang thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố để kịp thời tiếp nhận thông tin, giải đáp những thắc mắc trong quá trình triển khai thực hiện Phong trào. 

Xây dựng chuyên mục TDĐKXDĐSVH trên kênh truyền hình Văn hóa, từ đó tạo điểm nhấn quan trọng trong công tác truyền thông, quảng bá về nội dung Phong trào và trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong công tác truyền thông. Ưu điểm của giải pháp này chính là cung cấp thông tin sinh động, thiết thực, trực tiếp về hoạt động Phong trào; nội dung và phương thức thông tin có tính phổ quát cao, là xa lộ thông tin có sức lan tỏa nhanh, đến mọi đối tượng, địa bàn trong thời gian ngắn. Đồng thời, hình thức truyền thông này có thể phát triển đa dạng các hình thức truyền thông thông qua các game show, diễn đàn, hội thảo mẫu về thực hiện phong trào dựa trên các chủ đề và đặc thù của vùng, miền và tình hình thực tế.

Ngoài ra, thiết lập cộng đồng mạng xã hội để chia sẻ thông tin về Phong trào dựa trên nền tảng là các dữ liệu hóa về Phong trào với sự tham gia của hệ thống cán bộ làm công tác văn hóa mà trực tiếp là cán bộ phụ trách Phong trào ở các tỉnh, thành phố cho đến các huyện, xã. Ưu điểm của giải pháp này chính là tạo môi trường mở để cán bộ làm Phong trào được chia sẻ quan điểm, kiến thức, kinh nghiệm, giới thiệu mô hình, kết quả thực hiện Phong trào; đồng thời cũng là kênh quan trọng để tham khảo, nắm bắt dư luận về thực hiện Phong trào và phản biện để các quan điểm lệch lạch, cổ vũ tích cực cho các nhân tố mới trong quá trình thực hiện phong trào. Giải pháp này ngoài việc chia sẻ, cung cấp thông tin về phong trào mà còn đóng góp sự định hướng xây dựng văn hóa trên không gian mạng xã hội, góp phần thực hiện tốt Luật an ninh mạng mà Quốc hội vừa thông qua.

Xây dựng các tác phẩm điện ảnh (phim truyện) về thực hiện Phong trào, đây là hình thức truyền thông khá hiệu quả nhưng lại là mảng hiện nay chưa được phát huy. Đề tài về xây dựng đời sống văn hóa là một trong nhưng mảng rộng, nhiều nội dung, rất phong phú về chủ đề, có thể khai thác. Việc xây dựng tác phẩm điện ảnh về Phong trào sẽ góp phần rất quan trọng để phản ảnh hiện thực đời sống của gia đình, cộng đồng, của cơ quan, đơn vị trong xây dựng đời sống văn hóa. Thông qua các tác phẩm điện ảnh để cung cấp cho cộng đồng thông tin, kinh nghiệm, giải pháp triển khai thực hiện Phong trào, góp phần quan trọng vào việc định hướng lối sống, nếp sống và chuẩn mực đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI.

Đồng thời, tăng cường giải pháp truyền thông bằng mô hình dựa trên hoạt động triển lãm trên không gian mạng, kết hợp với mô hình trình diễn tại các điểm du lịch, nhà sinh hoạt cộng đồng. Giải pháp này giúp mọi người dân tiếp cận trực tiếp với các giải pháp về thực hiện phong trào, đồng thời có thể góp ý, đóng góp sáng kiến để hoàn thiện giải pháp thực hiện Phong trào. Bên cạnh đó, giải pháp này tiết kiệm tối đa chi phí truyền thông, nhưng lại phát huy công năng tối đa bởi tính động và tính mở để huy động sự sáng tạo trong xã hội đóng góp cho hoạt động xây dựng đời sống văn hóa.

Có thể thấy, đổi mới giải pháp truyền thông về Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu bức thiết mà ngành văn hóa nói chung và cán bộ làm công tác văn hóa cần nghiên cứu, ứng dụng để theo kịp với xu thế, phù hợp với nhu cầu tiếp cận thông tin trong xã hội hiện nay.

                                                         

Tra cứu văn bảnHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhTinh thần ngày giải phóng Miền nam 30/04/1975 và ngày Quốc tế lao động 01/05 bất diệtTrang tin điện tử Cục Văn hóa cơ sở
Lượt truy cập: 39.371