(PTTD) - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động lớn mang tính toàn dân, toàn diện, với mục đích nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, môi trường tự nhiên và xã hội, theo những tiêu chí hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
|
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
1. Phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một trong 4 nhóm giải pháp lớn nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhóm giải pháp này xếp ở vị trí đầu tiên, có tính đột phá, huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện cho xây dựng văn hóa, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tính chiến lược lâu dài, thể hiện quan điểm của Đảng ta coi xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo. Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ-TW ngày 09-6-2014) yêu cầu: Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Nghị quyết của Đảng yêu cầu các cấp ủy huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể ra ngoài xã hội tích cực tham gia. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phải tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành, từ trong các cơ quan nhà nước đến ngoài xã hội, trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hoá và nhân tố con người đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp và đẩy mạnh các phong trào quần chúng hiện có trong phong trào chung Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, đồng thời, lồng ghép bổ sung nội dung văn hoá vào các phong trào hiện có của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần những cái lỗi thời, lạc hậu, hình thành dần những tập quán mới văn minh, sống và làm việc theo pháp luật. Xây dựng và phấn đấu theo các chỉ tiêu, quy chế, quy tắc về nếp sống văn hoá. Huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia các hoạt động sáng tạo và xây dựng đời sống văn hoá, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá phát triển, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là tư tưởng bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết cộng đồng của dân tộc, từ tư tưởng đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là sự kế thừa những kết quả của Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và được nâng lên với nội dung và tầm cao mới.
Để bảo đảm cho phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng trên toàn quốc, ngày 23-12-1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 235/1999/TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào, cấp tỉnh, huyện, xã hình thành các Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo các cấp ra đời đóng vai trò quan trọng tập hợp các phong trào văn hóa vào một Ban Chỉ đạo chung để thống nhất hành động, khắc phục chồng chéo trong triển khai các phong trào văn hóa.
Nội dung cơ bản của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" được thể hiện ở các hoạt động chủ yếu: Phát triển kinh tế, giúp nhau làm giầu chính đáng, xoá đói giảm nghèo; Xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh; Xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật; Xây dựng môi trường văn hoá sạch - đẹp - an toàn; Xây dựng các thiết chế văn hoá - thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - thể thao cơ sở.
2. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thời gian qua đã thực sự đi vào cuộc sống, lan tỏa vào từng lĩnh vực trong xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua các nội dung hoạt động của phong trào, người dân và các tổ chức đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm hỏi, động viên, thể hiện lòng biết ơn đối với người có công với đất nước. Phong trào đã góp phần gắn kết người dân nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Nhiều nội dung phong trào đã được triển khai sâu rộng, được các cấp, các ngành vận dụng sáng tạo, người dân tự giác thực hiện nghiêm túc.
Đặc biệt, từ phong trào, nhiều điển hình tiên tiến đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành vinh danh vì đã có những đóng góp thiết thực đối với xã hội, đã làm sâu sắc thêm những giá trị và bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, đời sống văn hóa phong phú. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển sôi nổi, công tác quản lý tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều lễ hội dân gian được khôi phục, bảo tồn...
Trong năm 2017, phong trào tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc. Nhiều nội dung hoạt động của phong trào được lồng ghép, phối kết hợp với các phong trào thi đua khác để triển khai sâu rộng trong xã hội như xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững...; các địa phương đã tập trung vào quy trình bình xét các danh hiệu văn hóa, bảo đảm việc bình xét công khai, dân chủ, nâng cao trách nhiệm của ban công tác mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của phong trào được Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Ban Chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc... từng bước đưa các hoạt động của phong trào có tác động tích cực, trên nhiều mặt của đời sống văn hóa - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Ở một số địa phương, việc triển khai và thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương chưa kịp thời, đầy đủ, một số nơi gặp khó khăn, lúng túng trong công tác tổ chức thực hiện. Công tác truyền thông về thực hiện phong trào chưa đạt hiệu quả tích cực, vì vậy tại một số địa phương còn xảy ra hiện tượng chạy theo thành tích và số lượng, hạn chế về chất lượng, nội dung hoạt động còn hình thức, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư và xã hội...
Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của phong trào; chưa sâu sát trong việc chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện dẫn đến phong trào phát triển chưa đồng đều, nhiều nội dung phong trào mới chỉ dừng lại ở việc ban hành các văn bản, chưa tích cực vận động để người dân nắm vững các tiêu chí thực hiện, xây dựng môi trường văn hóa chưa tạo sự chuyển biến rõ rệt, các tiêu cực, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng và phát triển phức tạp.
Vẫn còn hiện tượng chưa xác định được chủ thể "toàn dân" của phong trào, còn có ban, ngành, đoàn thể coi phong trào là trách nhiệm của ngành văn hóa, công tác phối hợp trong triển khai thực hiện phong trào thiếu chặt chẽ, chưa rõ nhiệm vụ được phân công nên chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp chưa cao, chưa toàn diện.
Việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp văn hóa ở một số nơi còn nặng về hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng và tính bền vững. Tình trạng bạo lực có dấu hiệu ngày càng gia tăng, một số giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một... Việc bình xét các danh hiệu văn hóa còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và quy trình bình xét dẫn đến tỷ lệ gia đình văn hóa cao trong khi môi trường văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động của phong trào các cấp chưa được phân bổ đồng đều, chưa đáp ứng nhiệm vụ và nội dung mà phong trào đề ra…
Vẫn còn những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phong trào, nhất là những bất cập trong một số văn bản quản lý của nhà nước; công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên; vấn đề bố trí, sử dụng kinh phí, nhân sự, chế độ phụ cấp cho người làm phong trào…
3. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức triển khai thực hiện phong trào, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần xây dựng kế hoạch phối hợp các bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào. Khuyển khích, vận động nhân dân tham gia, hưởng ứng xây dựng con người Việt Nam có lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh, tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, cao thượng, nhân văn; đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực, trái đạo lý.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, xây dựng phường, thị xã đạt chuẩn văn minh đô thị. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động truyền thông gắn với triển khai thực hiện phong trào, nhất là gương các điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa"... Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động của phong trào.
Xây dựng và hoàn thiện quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”; trong đó làm rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét, bảo đảm dễ nhớ, dễ thực hiện, bao trùm được tất cả các giá trị cốt lõi của văn hóa và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương; rà soát lại các phong trào, cuộc vận động có nội dung hoạt động liên quan đến xây dựng đời sống văn hoá, làm rõ đặc thù của từng phong trào, cuộc vận động để làm cơ sở định hướng hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương trong thời gian tới theo mô hình Ban Chỉ đạo tổng hợp; nghiên cứu cơ chế đưa các nội dung bảo tồn văn hoá, văn nghệ dân gian vào các hoạt động để đẩy mạnh công tác truyền thông về phong trào.
Đổi mới công tác kiểm tra; đổi mới hình thức tổ chức giao ban cụm về thực hiện phong trào, nhằm kịp thời đánh giá, điều chỉnh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở địa phương. Việc tổ chức các hội nghị giao ban cụm cần hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, lãng phí; tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phong trào; tổ chức tuyên truyền sâu rộng những gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phong trào cần nhân rộng.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất hướng dẫn các địa phương lồng ghép thực hiện các hoạt động của phong trào với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, làng, ấp, bản, Tổ dân phố văn hóa” bảo đảm thực chất.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào, bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân; chỉ đạo các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phong trào tại địa phương thực hiện nghiêm túc trong kiểm tra, giám sát, phúc tra việc xét tặng các danh hiệu văn hóa; kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, chạy theo thành tích trong xét tặng các danh hiệu văn hóa.../.
Theo tapchicongsan.org.vn