Tin tức - Sự kiện

Hưng Yên: Phong trào TDĐKXDĐSVH đã tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội

30 Tháng Bảy 2018

(PTTD) – Những năm gần đây, vai trò làng văn hóa, khu phố văn hóa thực sự được phát huy và khẳng định trong quá trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Năm 2017, toàn tỉnh tổ chức lồng ghép được 2000 hội nghị tuyên truyền thực hiện phong trào ở cơ sở. Ảnh: sovhttdl.hungyen.gov.vn

Chú trọng công tác tuyên truyền

Có thể thấy, thời gian qua, Phong trào TDĐKXDĐSVH đã tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Năm 2017, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào TDĐKXDĐSVH, của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, ngành, đoàn thể các cấp và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển sâu rộng và có những bước chuyển biến quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Hưng Yên là tỉnh có phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở sớm trong cả nước. Từ đầu những năm 60 của Thế kỷ trước, 6 gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ giao ước với nhau thực hiện theo nếp sống mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, những tàn dư của chế độ thực dân phong kiến. Qua thời gian thử thách đúc rút kinh nghiệm, 6 gia đình này đã trở thành những gia đình văn hóa đầu tiên trong toàn quốc. Năm 1962, xã Ngọc Long được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba về công tác xây dựng nếp sống mới, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) tặng bức trướng “Chiếc nôi gia đình văn hóa”. 

Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được quan tâm nhằm tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống quê hương gia đình văn hóa, điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trong năm, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Phong trào được ban hành là cơ sở cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH từ tỉnh đến cơ sở. Ngày 04/4/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1067/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xây dựng thiết chế văn hóa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 134/2017/NQ-HĐND ngày 8/12/12017 Quy định mức hỗ trợ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được công nhận lại sau 05 năm; làng, khu phố (tổ dân phố) văn hóa được công nhận lần đầu và làng, khu phố (tổ dân phố) được công nhận lại sau 03 năm…Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phong trào TDĐKXDĐSVH cho trên 200 học viên là thành viên Ban chỉ đạo các cấp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực quản lý nhà nước cho những người làm công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp; trao đổi, thảo luận nhằm đề ra những biện pháp phù hợp nâng cao chất lượng phong trào trên địa bàn tỉnh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ quần chúng các Làng, Tổ dân phố văn hóa tiêu biểu tỉnh Hưng Yên. Thông qua Liên hoan, các Làng, Tổ dân phố văn hoá được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu những cách làm hay, những biện pháp hữu hiệu trong việc triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH ở cơ sở. Đồng thời, nhân dân trong tỉnh được thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa và giải trí lành mạnh.

Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền thực hiện phong trào. Năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức lồng ghép được 2.068 hội nghị tuyên truyền thực hiện phong trào ở cơ sở, thu hút trên 260.000 lượt người dự; thực hiện 36 cuộc tuyên truyền lưu động tại các địa phương; cấp phát tài liệu về tuyên truyền thực hiện phong trào; đăng tải trên 500 tin, bài phản ánh, biểu dương điển hình tiên tiến, mô hình làm tốt trong phong trào TDĐKXDĐSVH. Với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, nội dung phù hợp với đặc điểm từng địa phương, phong trào có sức lan toả rộng lớn, góp phần chuyển biến về nhận thức trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.

Những con số ấn tượng

Phong trào TDĐKXDĐSVH đã trải qua gần 20 năm, đó là một hành trình liên tục và luôn có xu hướng biến đổi không ngừng, đặc biệt, năm 2017, phong trào có sự đổi mới trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp; trong cách nghĩ, cách làm của nhân dân, đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tạo nên bức tranh kinh tế - xã hội toàn diện của tỉnh nhà.

Phong trào đoàn kết giúp nhau “xoá đói giảm nghèo” được các cấp, các ngành chú trọng và đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức như hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ giống, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề…đã tạo tạo điều kiện và động viên các tầng lớp nhân dân hăng say lao động sản xuất. Qua đó đã hỗ trợ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, đời sống kinh tế của người dân ổn định và từng bước phát triển. Toàn tỉnh có gần 5.000 mô hình kinh tế trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,41%, tỉ lệ hộ cận nghèo còn 3,12%.

Toàn tỉnh hiện có 800 câu lạc bộ văn hoá-văn nghệ hoạt động thường xuyên. Ảnh minh họa (nguồn Đài truyền thanh huyện Khoái Châu)

Thực hiệp nếp sống văn hoá, xây dựng môi trường văn hóa được các địa phương trên địa bàn tỉnh được duy trì và đẩy mạnh. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, nét văn hóa truyền thống được khôi phục góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong các cộng đồng dân cư. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, toàn tỉnh có có 4.780 đám cưới, 2.683 đám tang thực hiện nếp sống văn minh. 373 khu dân cư đã xây dựng được nghĩa trang đồng bộ. Một số địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang như: xã Ông Đình, Thuần Hưng (huyện Khoái Châu); xã Minh Tân, Quang Hưng (huyện Phù Cừ); xã Nhân Hoà (huyện Mỹ Hào); xã Đức Hợp (huyện Kim Động).

Phong trào TDĐKXDĐSVH huy động nguồn lực trong xã hội để củng cố, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong cộng đồng dân cư. Năm 2017, toàn tỉnh có 10 Trung tâm văn hóa xã và 59 nhà văn hóa thôn, khu phố xây mới từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa trong nhân dân (trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng/nhà văn hóa thôn). Hiện nay, toàn tỉnh có 88 Trung tâm văn hoá xã, phường, thị trấn độc lập (chiếm 54,6%), 72 Trung tâm văn hoá xã, phường, thị trấn kiêm hội trường Đảng ủy, HĐND, UBND xã (chiếm 51%); 665 nhà văn hoá thôn, khu phố độc lập (chiếm 78,1%); 186 nhà văn hoá sinh hoạt chung với các thiết chế khác (chiếm 22,5%), dự kiến trong năm 2018 xây dựng mới 71 Nhà văn hóa thôn, khu phố do tỉnh hỗ trợ kinh phí 1 tỷ/nhà. Hệ thống thiết chế văn hóa thao cơ sở được xây dựng trong thời gian qua đã góp phần quyết định tới việc nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân trong tỉnh.

Phát huy truyền thống “Chiếc nôi gia đình văn hóa” của cả nước, phong trào xây dựng gia đình văn hóa tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 310.547/345.053 gia đình văn hóa (đạt 90%). Tiêu biểu như gia đình bà Nguyễn Thị My (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu), gia đình ông Nguyễn Văn Đáp (thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi), gia đình ông Trần Ngọc Hà (xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động), Gia đình ông Nguyễn Hà Nội (xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào)…Các địa phương tổ chức công bố, trao giấy chứng nhận “gia đình văn hóa” vào Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc (18/11). Tại ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” được tổ chức ở 100% ở khu dân cư hàng năm, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và địa bàn dân cư đã trực tiếp cùng với nhân dân tham gia tổ chức ngày hội, trực tiếp tọa đàm việc xây dựng thôn, xóm văn minh, văn hóa và các hoạt động truyền thống giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương với hàng trăm ngàn hộ gia đình trong toàn tỉnh tham gia. Trong Ngày hội, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt thông qua việc tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” đã tạo ra nét sinh hoạt văn hoá theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố tăng cường khối đoàn kết và tình làng nghĩa xóm ở các thôn, khu phố.

Phong trào xây dựng làng, khu phố văn hoá ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 741/851 làng, khu phố văn hóa (đạt 87%). Nhiều làng, khu phố văn hóa đã phát huy tốt danh hiệu như làng Viên Quang (xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ), làng Lỗ Xá (xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào), làng Trung Châu (xã Đông Kết, huyện Khoái Châu), làng Ngọc Tỉnh (xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ), khu phố Đông Thành (phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên)…

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia với nhiều loài hình phong phú và do chính nhân dân sáng tạo và phục vụ nhân dân địa phương. Toàn tỉnh có gần 1.300 câu lạc bộ sở thích trong đó có trên 800 câu lạc bộ văn hoá-văn nghệ hoạt động thường xuyên và có hiệu quả, tỷ lệ dân số tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 32,8%. Nhiều hạt nhân văn nghệ có khả năng sáng tạo, nhiều đội văn nghệ làm nòng cốt cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương.

Phong trào TDĐKXDĐSVH là một phong trào rộng lớn quy tụ các cuộc vận động, các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh", "Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội", "Người tốt, việc tốt", xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”, “Tuổi cao, gương sáng", “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, "Thi đua quyết thắng", “Xây dựng khu dân cư 3 không”, "Học tập, lao động, sáng tạo",… được các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả, góp phần ổn định anh ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế bền vững, an sinh xã hội, các phong trào khác ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

Tra cứu văn bảnHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhTinh thần ngày giải phóng Miền nam 30/04/1975 và ngày Quốc tế lao động 01/05 bất diệtTrang tin điện tử Cục Văn hóa cơ sở
Lượt truy cập: 39.371