Infographic - Longform

[Longform]: Người dân là chủ thể để thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

13 Tháng Mười Hai 2018

Phong trào thấm sâu vào đời sống nhân dân

Theo Bộ VHTTDL, trong 18 năm thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Kết quả đã có 19.064. 069/22.236. 778 gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa"; 69.024/106.382 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa; 84.785/114.972 cơ quan, đơn vị , doanh nghiệp văn hóa. Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng động viên kịp thời.

Phong trào đã đạt được những kết quả quan trọng: Phong trào đã tạo sự lan tỏa, thẩm thấu vào các mặt của đời sống xã hội, xác định mục đích, ý nghĩa xây dựng đời sống văn hóa trong chiến lược xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, môi trường văn hóa, con người Việt Nam.

Đã tạo ra phong trào thi đua rộng khắp, từ gia đình, làng, xã đến các cấp, các ngành; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; hương ước, quy ước của làng, xã được thực hiện nghiêm túc, xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiêu biểu trong việc xây dựng Gia đình, Dòng họ văn hóa, khu dân cư văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, nhiều hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân. Việc cưới, việc tang đã có chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân; tình trạng tảo hôn, ép hôn giảm đáng kể, các tập tục không còn phù hợp đã dần được điều chỉnh, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp.

Thông qua các hoạt động của Phong trào, nhiều mô hình tự quản tại các khu dân cư đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhiều hoạt động vận động nhân dân không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; phát huy thế mạnh nghề truyền thống đã được triển khai ở các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phong trào vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập đó là: Phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền; chất lượng các phong trào cụ thể trong Phong trào còn nhiều yếu kém, nhiều nội dung văn hóa trong Phong trào chưa thực hiện đầy đủ, kết quả đạt được chưa vững chắc, thiên về bề nổi, hình thức, thiếu chiều sâu và chất lượng; Việc xét công nhận các danh hiệu văn hóa chưa chặt chẽ; thiếu công khai, dân chủ; chưa bám sát tiêu chuẩn. Thay vì nỗ lực từng gia đình, từng khu dân cư chung tay góp sức xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đạt được các tiêu chuẩn một cách thực chất thì còn làm quan liêu, đại khái, làm đẹp các con số, báo cáo không khách quan, đầy đủ, chạy theo thành tích; Các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tuy đã được triển khai nhưng chưa được thực hiện nghiêm, dẫn đến tình trạng lãng phí trong các đám cưới, đám tang; xây cất mồ mả khoa trương, tốn kém, lợi dụng lễ hội để trục lợi; Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở nhiều nơi chưa được đầu tư cơ sở vật chất, chưa tổ chức, khai thác, phát huy hiệu quả; nội dung, phương thức hoạt động còn nghèo nàn…

Phát huy vai trò của nhân dân

Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với việc bình xét, khen tặng các danh hiệu thi đua và tăng cường biện pháp triển khai thực hiện; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của phong trào; chủ động đôn đốc, kiểm tra, phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các hạn chế trong quá trình thực hiện; Chỉ đạo các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo chủ động, tích cực huy động được sự phối hợp của địa phương và quần chúng nhân dân đối với các nội dung hoạt động của phong trào, nhất là phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở; huy động được quần chúng nhân dân đồng thuận; Xây dựng cơ chế hoạt động của các thiết chế văn hóa. Đảm bảo kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo, kinh phí xây dựng và duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa.

Đặc biệt, việc đổi mới không chỉ tiêu chí mà còn là cách đánh giá, cách thể hiện sao cho đơn giản, dễ hiểu và có chiều sâu đối với việc bình xét các danh hiệu là vô cùng cần thiết.

Một trong các giải pháp trọng tâm Bộ VHTTDL đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa"; trong đó làm rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét, bảo đảm dễ nhớ, dễ thực hiện, bao trùm được tất cả các giá trị cốt lõi của văn hóa và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương; rà soát lại các phong trào, cuộc vận động có nội dung hoạt động liên quan đến xây dựng đời sống văn hoá, làm rõ đặc thù của từng phong trào, cuộc vận động để làm cơ sở định hướng hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương trong thời gian tới theo mô hình Ban Chỉ đạo tổng hợp; nghiên cứu cơ chế đưa các nội dung bảo tồn văn hoá, văn nghệ dân gian vào các hoạt động để đẩy mạnh công tác truyền thông về phong trào.

Đổi mới công tác kiểm tra; đổi mới hình thức tổ chức giao ban cụm về thực hiện phong trào, nhằm kịp thời đánh giá, điều chỉnh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở địa phương. Việc tổ chức các hội nghị giao ban cụm cần hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, lãng phí; tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phong trào; tổ chức tuyên truyền sâu rộng những gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phong trào cần nhân rộng.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất hướng dẫn các địa phương lồng ghép thực hiện các hoạt động của phong trào với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bình xét danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, làng, ấp, bản, Tổ dân phố văn hóa" bảo đảm thực chất.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào, bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân; chỉ đạo các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phong trào tại địa phương thực hiện nghiêm túc trong kiểm tra, giám sát, phúc tra việc xét tặng các danh hiệu văn hóa; kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, chạy theo thành tích trong xét tặng các danh hiệu văn hóa./.

 

Tra cứu văn bảnHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhTinh thần ngày giải phóng Miền nam 30/04/1975 và ngày Quốc tế lao động 01/05 bất diệtTrang tin điện tử Cục Văn hóa cơ sở
Lượt truy cập: 39.371