Năm nay, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam" diễn ra từ ngày 18 - 23/11 với sự tham gia của 15 cộng đồng dân tộc đến từ 13 tỉnh/thành phố; gần 200 đồng bào đại diện cho các gia đình, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo; 35 em sinh viên người dân tộc thiểu số.
Mục đích của sự kiện này nhằm tôn vinh di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thiết thực chào mừng Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Theo ông Phạm Văn Quyến – Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, bài ca kết đoàn là chủ đề của tuần Văn hóa năm nay với ý nghĩa tôn vinh tinh thần đại đoàn kết các dân tộc. Đây là di sản của văn hóa của dân tộc Việt Nam, với tinh thần này thì sẽ nâng cao tinh thần đại đoàn kết, nâng cao sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc đặc biệt là các dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
"Với sự tham gia của 15 cộng đồng dân tộc trong tuần, Ban tổ chức hy vọng các đồng bào dân tộc sẽ mang đến những văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của dân tộc mình, vùng miền mình", ông Phạm Văn Quyến cho biết.
Điểm nhấn của Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam năm 2018 là ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc", đây cũng là chương trình khai mạc sự kiện nhằm đánh giá 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới".
Qua đó, tạo điều kiện các cộng đồng dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng gặp gỡ, trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó thống nhất trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2018 cũng có nhiều nét mới đặc sắc và thu hút nhiều thành phần dân tộc tham gia hơn so với những những năm trước. Ngoài các đồng bào đang sinh sống tại Làng thì cũng huy động thêm các đồng đến để mang cái nét đặc sắc của dân tộc.
"Mới hơn nữa của năm nay đó là giới thiệu văn hóa phi vật thể đó là hát Sọong cô của dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra còn tổ chức giao lưu văn hóa giữa 3 miền đó là miền Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ", ông Phạm Văn Quyến chia sẻ.
Càng ý nghĩa hơn khi Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng khẳng định: "Tuần"Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam" đã trở thành ngày hội có ý nghĩa thiết thực chào mừng Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Đây cũng là dịp để các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương gặp gỡ cộng đồng các dân tộc, lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng của bà con; Là dịp để đồng bào tổng kết một năm hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng "ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam".
Còn theo ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN: "Từ năm 2012, Bộ VHTTDL đã có sáng kiến tổ chức Tuần Đại đoàn kết các dân tộc và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Hoạt động nhằm tôn vinh giá trị tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc như một di sản quý báu của dân tộc ta và để kỷ niệm ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".
Ngôi nhà chung sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc
Phải khẳng định rằng, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sau nhiều năm đi vào hoạt động đã thực sự trở thành một Ngôi nhà chung cho cộng đồng 54 dân tộc anh em. Đồng thời, đây cũng là một sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.
Để có được những kết quả như ngày hôm nay, chắc hẳn không thể nhắc đến những cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của Bộ VHTTDL nói chung và Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nói riêng.
"Từ khi chúng tôi về đây nhận được sự quan tâm của Làng Văn hóa, từ các cán bộ đến các cháu bảo vệ họ rất nhiệt tình quan tâm về đời sống của đồng bào ví dụ như nhà, điện nước, về tất cả mọi thứ", Nghệ nhân Nguyễn Thị Xuyến (dân tộc Tày, Thái Nguyên).
Mọi dân tộc đều nô nức, phấn khởi chờ đợi đến ngày này để cùng chung tay hoạt động và có những trò chơi rất bổ ích. Những trò chơi của đồng bào mình như kéo co, tung còn, hát then đàn tính, cồng chiêng", Nghệ nhân Nguyễn Thị Xuyến chia sẻ thêm.
Tôn vinh đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, nâng cao ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa. Sự kiện Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2018 được tổ chức thành công đã củng cố, tăng cường hơn nữa khối sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.