Chuyện cơ sở

Xây dựng đời sống văn hóa gắn với cộng đồng dân cư khu vực nông thôn

25 Tháng Tám 2018

(PTTD) - Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” (gọi là Phong trào) ở cộng đồng dân cư khu vực nông thôn luôn gắn chặt với hoạt động sản xuất nông nghiệp, vì vậy xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực này luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống.

ở vùng nào có đời sống văn hóa tốt là vùng có hoạt động sản xuất nông nghiệp hiệu quả phát triển. Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN)

Xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc dựa trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa

Mục tiêu chung xây dựng Phong trào chính là xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc dựa trên nền tảng của tinh thần đoàn kết, phát huy các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức, lối sống, với tinh thần lao động sáng tạo, hội nhập để phát triển bền vững; do đó, để thực hiện có hiệu quả Phong trào ở khu vực nông thôn sẽ không thể tách rời hoạt động sản xuất nông nghiệp; cụ thể hơn, phát triển nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp chính là một nội dung rất quan trọng của hoạt động xây dựng đời sống văn hóa.

Ở vùng nào, ngành nông nghiệp phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao, ở nơi đó Phong trào xây dựng đời sống văn hóa càng thực chất hơn; và ngược lại, ở vùng nào có đời sống văn hóa tốt là vùng có hoạt động sản xuất nông nghiệp hiệu quả phát triển. Như vậy, hai thành tố: Phong trào và hoạt động sản xuất nông nghiệp có quan hệ hữu cơ, hỗ trợ, thúc đẩy nhau phát triển. Nhìn từ góc độ văn hóa, Phong trào tạo ra các yếu tố tích cực, đó là sự ủng hộ của nhân dân về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp; phát huy được nội lực để huy động nguồn lực để đầu tư; thống nhất được nhận thức chung trong phát triển, phát huy được lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập và phát triển bền vững.

Gắn sinh hoạt văn hóa cộng đồng với các hoạt động truyền thông về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó hết sức lưu ý việc đánh giá, dự báo những tác động của sản xuất nông nghiệp trong quá trình cơ cấu lại đến đời sống văn hóa gia đình và cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Những thay đổi về cơ cấu lao động trong sản xuất nông nghiệp, về hình thức canh tác dẫn đến quá trình tích tụ ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp; về yêu cầu và dự báo những thách thức, thuận lợi của thị trường nông sản quốc tế… Đây là những nội dung hết sức quan trọng, để cung cấp thông tin, định hướng giải pháp, xây dựng năng lực chính là quá trình hình thành văn hóa thích ứng với điều kiện sản xuất nông nghiệp mới.

Phong trào góp phần thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, phát huy được tinh thần sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện tốt nội dung này, Ban Chỉ đạo Phong trào ở các địa phương cần có chương trình phối hợp cụ thể với các cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động hỗ trợ cụ thể; nhất là phát huy vai trò hoạt động của các câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật, thị trường nhất là những kiến thức, kỹ năng, xây dựng hình ảnh văn hóa nông thôn mới trong mỗi con người.

Một trong những nội dung rất quan trọng trong hoạt động này là lựa chọn giải pháp thực hiện. Bởi lẽ nếu không có nội dung thiết thực sẽ không hút được sự tham gia của người dân; hơn nữa, để đảm bảo cho quá trình phát triển bền vững không thể thiếu được yếu tố văn hóa làm chủ đạo, lấy mục tiêu xây dựng văn hóa làm đích của hoạt động. Do vậy, nội dung và hình thức hoạt động không chỉ đảm bảo tính xuyên suốt mà phải thể hiện rõ vai trò “soi đường” của văn hóa để hướng cộng đồng vào nội dung phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Khi văn hóa hòa vào đời sống sản xuất

Phong trào xây dựng văn hóa phải làm cho văn hóa kết tinh vào từng sản phẩm nông nghiệp, không chỉ là sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao, được thị trường chấp nhận mà chính là văn hóa ứng xử của người tạo ra sản phẩm với thị trường, với người tiêu dùng, với môi trường thiên nhiên; sản phẩm nông nghiệp không chỉ được đánh giá chất lượng dinh dưỡng qua cảm thụ của cơ quan vị giác mà là những câu chuyện, giai thoại văn hóa để thực khách còn cảm thụ bằng thính giác và thị giác.

Thực tế chứng minh, khi văn hóa hòa vào đời sống sản xuất, bản thân giá trị sản phẩm ấy là thành quả của văn hóa, yếu tố văn hóa hòa quện vào giá trị của sản phẩm được biểu đạt thông qua sự đón nhận của thị trường và trở thành thương hiệu. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa không chỉ dừng lại ở việc đưa ra tiêu chí đánh giá mà phải huy động và tổ chức được các hoạt động văn hóa dựa trên nhu cầu của cộng đồng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, từ Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm đang thực hiện cũng cho thấy, yếu tố tạo nên sự khác biệt mà đặc sắc của sản phẩm đó là yếu tố văn hóa, sản phẩm nào càng tạo nên sự khác biệt dựa trên giá trị văn hóa vùng miền, địa phương đó luôn có sức sống bền vững. Đây cũng là điều mà Phong trào xây dựng văn hóa ở khu vực nông thôn rất cần quân tâm.

Như vậy, qua Phong trào trong nhân dân đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo, làm giàu chính đáng; đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh... Từ Phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong công tác, lao động, sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng nếp sống văn hóa mới, giữ gìn an ninh trật tự, khuyến học, khuyến tài, xây dựng cảnh quan môi trường, thi đua cải tiến lề lối làm việc…

Phong trào không tách rời với hoạt động sản xuất nông nghiệp ở vùng nông thôn, nhất là trong điều kiện nước ta đang đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng- đó cũng chính là thành quả từ Phong trào, cũng là chủ đề mà cán bộ làm công tác Phong trào nói riêng và cán bộ làm công tác văn hóa cần quan tâm hơn để Phong trào xây dựng đời sống văn hóa thật sự đi vào đời sống sản xuất nông nghiệp cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói Phong trào đã thực sự đi vào đời sống sản xuất, trở thành một Phong trào thi đua yêu nước rộng lớn của quần chúng, ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại những thành tựu to lớn, toàn diện và sâu sắc; khẳng định sự đúng đắn về chủ trương, về sức sống và hiệu quả của Phong trào.

Tra cứu văn bảnHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhTinh thần ngày giải phóng Miền nam 30/04/1975 và ngày Quốc tế lao động 01/05 bất diệtTrang tin điện tử Cục Văn hóa cơ sở
Lượt truy cập: 39.371