Tin tức - Sự kiện

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

05 Tháng Tám 2018

(PTTD) - Bên cạnh những kết quả đạt được, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

Ảnh minh họa (nguồn: Báo Hưng Yên)

Cụ thể, sự phối hợp giữa các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH từ tỉnh đến cơ sở có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên và đồng bộ. Hiệu quả một số phong trào, cuộc vận động còn hạn chế nên chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của phong trào trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước.

Ban Chỉ đạo phong trào ở một số địa phương tuy đã được củng cố, kiện toàn nhưng chưa duy trì hội họp định kỳ; thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc. Công tác sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá và nhân rộng các điển hình tiên tiến ở một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, nên chất lượng một số phong trào chưa bền vững. Công tác thông tin tuyên truyền ở một vài nơi chưa phong phú đa dạng, chưa tạo không khí sôi nổi, thu hút trong nhân dân.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội ở một số làng văn hoá chưa được khắc phục. Đời sống văn hoá, văn nghệ của nhân dân ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức từ các cấp chính quyền.

Ngoài ra, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hoá của nhân dân. Nhiều xã, phường, thị trấn, thôn, làng, khu phố chưa có nhà văn hoá, sân thể thao, khu vui chơi giải trí cho trẻ em; một số nơi quy hoạch được quỹ đất nhưng thiếu kinh phí xây dựng; một số nhà văn hoá đã xuống cấp, chắp vá, hiệu quả sử dụng thấp. Nhiều Trung tâm văn hoá cấp xã, phường, thị trấn; nhà văn hóa thôn, làng, khu phố chưa đạt tiêu chuẩn so với quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Các khu công nghiệp hầu hết chưa có thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt văn hóa văn nghệ của công nhân lao động.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở một số địa phương còn chưa nghiêm; một số đám cưới, đám tang tổ chức rườm rà, tốn kém và lãng phí. Kinh phí chi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã còn chưa được bố trí vào nguồn ngân sách rõ ràng nên hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã gặp nhiều khó khăn.

Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Hưng Yên đề xuất ba nhóm giải pháp sau:

Về công tác chỉ đạo, quản lý: Chú trọng công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của các ban ngành, đoàn thể liên quan và Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp trong việc tổ chức và triển khai phong trào. Nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm văn hóa cơ sở.

Thường xuyên kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo TDĐKXDĐSVH các cấp, xây dựng quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên. Thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động ở các địa phương, cơ sở và chế độ trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo. Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai, thực hiện phong trào. Từng thành viên Ban Chỉ đạo được phân công phụ trách địa bàn tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào.

Lồng ghép các nhiệm vụ của phong trào vào các phong trào thi đua yêu nước khác của các ban, ngành, đoàn thể. Gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực và tập trung đầu tư cho văn hóa ngang tầm với đầu tư trong các lĩnh vực khác, tạo đà cho sự phát triển của văn hóa "ngang hàng với kinh tế, chính trị"; Bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết chế văn hóa đi đôi với đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội khác trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, ưu tiên những địa phương đăng ký về đích sớm xây dựng Nông thôn mới.

Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp và đánh giá công tác triển khai phong trào tại địa phương cơ sở từ đó xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Định kỳ sơ kết, tổng kết phong trào qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra những mục tiêu, giải pháp phát triển phong trào trong thời gian tiếp theo. Động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Về đầu tư kinh phí: Tập trung đầu tư các nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở các địa phương giải quyết đất dôi dư, tái đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi.

Hỗ trợ một phần kinh phí ngân sách Nhà nước các cấp để xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho thiết chế văn hóa ở thôn, làng, khu phố, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Huy động nguồn xã hội hóa từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ cho các hoạt động của phong trào.

Về tổ chức các hoạt động: Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò ý nghĩa, nội dung phong trào. Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến trong phong trào làm tiền đề và khích lệ phong trào ở các địa phương trong tỉnh; Tiếp tục nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa và các phong trào của các cấp, các ngành. Đẩy mạnh thực hiện nghiêm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, đổi mới nội dung hoạt động văn hóa, phát triển các loại hình câu lạc bộ về văn hóa, chú trọng tổ chức các Liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi đấu các môn thể thao,… tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương; Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội truyền thống và vui chơi giải trí phù hợp các đối tượng, tầng lớp nhân dân ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.

Tra cứu văn bảnHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhTinh thần ngày giải phóng Miền nam 30/04/1975 và ngày Quốc tế lao động 01/05 bất diệtTrang tin điện tử Cục Văn hóa cơ sở
Lượt truy cập: 39.371