Cùng khám phá những đặc điểm thú vị trong nền văn hóa cũng như phong tục tập quán của đất nước Malaysia xinh đẹp.
Malaysia là một đất nước có vị trí nằm ở trung tâm Đông Nam Á và là một thành viên quan trọng của Asean. Càng ngày Malaysia càng chứng tỏ được vị thế và tiềm năng của mình trên mọi mặt mọi lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, chính trị và cả du lịch. Đặc biệt là du lịch những năm gần đây vô cùng phát triển bởi sự đầu tư và càng ngày cành có nhiều người quan tâm, hiếu kỳ với đất nước trung tâm Đông Nam Á này. Cùng khám phá nền văn hóa Malaysia để xem đất nước này có gì đặc biệt mà lại thu hút khách du lịch đến vậy nhé!
Malaysia là một đất nước đa dạng về văn hóa
Vài nét về văn hóa của người Malaysia
Malaysia là một trong những đất nước có nền văn hóa đa dạng và độc đáo nhất trên thế giới. Văn hóa Malaysia chịu ảnh hưởng nhiều của Phương Tây sau cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng cũng đậm đà những nét văn hóa phương Đông thuần túy do ảnh hưởng của các nước láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ… Tất cả những luồng văn hóa Đông Tây thổi vào đất nước hiền hòa này kết hợp với những nét đẹp của văn hóa bản địa truyền thống đã tạo nên một bản nhạc văn hóa đa âm điệu, một bức tranh với nhiều gam màu đủ sức chinh phục những vị giám khảo khó tính nhất.
Hơn 60 % dân số Malaysia theo đạo Hồi, vì thế văn hóa chung tại đây chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Hồi giáo. Người Malaysia đa số không uống rượu và không ăn thịt heo, những điều cấm kỵ của đạo Hồi. Họ chỉ ăn những thức ăn được nấu nướng theo nguyên tắc của đạo Hồi và những món ăn gọi chung là Halal.
Đến Malaysia bạn sẽ cảm thấy nhiều phụ nữ che đầu bằng một cái khăn choàng gọi là “tudung”, người Hồi Giáo, đặc biệt là phụ nữ ăn mặc rất kín đáo và giản dị. Ngày thứ 6 được xem là một ngày linh thiêng đối với người Hồi giáo, do đó vào ngày này, giờ nghỉ trưa thường được kéo dài hơn và đàn ông Hồi Giáo thường đến cầu nguyện tại những nhà thờ gần nơi làm việc hoặc nơi ở.
Những ngày lễ, ngày hội ở Malaysia nhiều không thể kể hết, mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo, mỗi khu vực ngoài những ngày lễ chung của liên bang thì còn có những lễ hội riêng của chính mình. Lễ hội ở Malaysia diễn ra thường xuyên, tháng nào trong năm cũng có những ngày lễ hội khác nhau.
Phong tục tập quán của người Malaysia
Văn hóa chào hỏi
– Khi chào một người Malaysia vào buổi sáng thì bạn dùng “Salamat pagi”, vào buổi chiều là “saolamat petang”.
– Bạn nên bỏ giày trước khi vào nhà hay những nơi linh thiêng, bạn cũng nên bỏ giày và mũ trước khi vào nhà thờ Hồi Giáo hay các đền. Một số nhà thờ Hồi giáo cung cấp khăn, áo choàng cho khách khi vào trong nhà thờ.
– Khi gặp một người Malaysia, bạn nên chủ động bắt tay. Đôi khi họ có thể chào bạn bằng cái chào của người Malaysia, được gọi là “namaste”. Namaste là hình thức hai lòng bàn tay chạm vào nhau và đặt ngang trước ngực, kèm theo là một cái gật đầu nhẹ. Đôi khi Namaste cũng diễn ra ngay sau cái bắt tay đầu tiên. Bạn có thể đáp lại bằng cách đặt bàn tay phải trước ngực sau khi bắt tay. Ngoài bắt tay thì không nên có sự tiếp xúc nào nơi công cộng giữa hai người khác giới. Ngược lại điều này được chấp nhận ở những người cùng giới. Bạn có thể bắt gặp hai người đàn ông nắm tay nhau hay thậm chí tay trong tay đi dạo trước mọi người.
– Người Malaysia rất kỵ trong việc xoa đầu và lưng người khác.
– Khi giới thiệu thì nữ được giới thiệu trước.
– Khi bạn được giới thiệu với một phụ nữ Malaysia, bạn chỉ nên bắt tay khi họ đã đưa tay ra trước. Nếu họ không chủ động đưa tay ra bắt trước thì bạn chỉ nên cười và cúi chào.
– Các thành viên của hoàng gia là những người được tôn trọng nhất. Nếu bạn có cuộc gặp với một người quan trọng trong hoàng gia thì bạn nên chuẩn bị một món quà. Khi bạn được chào đón ở hoàng gia thì bạn phải đứng nghiêm. Chờ các thành viên của hoàng gia rời khỏi phòng thì bạn mới được phép ra khỏi phòng đó.
– Khi gặp người lớn tuổi hơn bạn nên cúi chào khi gặp.
Văn hóa Malaysia – Phong tục tập quán
Văn hóa giao tiếp, ứng xử
Không nên bỏ tay vào túi quần nơi công cộng.
– Khi ra khỏi phòng thì nên nói “Xin lỗi“ và kèm theo là cái gật đầu nhẹ.
– Khi chỉ một vật hoặc một ai đó, tốt nhất là sử dụng tay phải (bàn tay được đặt ngửa). Ngoài ra bạn cũng có thể chỉ bằng ngón tay cái hay ngoắc cả 4 ngón tay. Nhưng chắc chắn rằng các ngón tay được vẫy xuống. Những người Malaysia lớn tuổi đôi khi hiểu ngón tay cái và ngón út là một sự xúc phạm. Chỉ một ai đó bằng ngón trỏ được xem là một hành động thô lỗ. Ngoài ra người Malaysia dùng ngón trỏ khi chỉ vào các động vật.
– Khi trao một vật, lấy một cái gì hay chạm ai đó (như bắt tay) thì nên dùng tay phải. Tay trái được xem là không sạch sẽ và không nên sử dụng để ăn hay trao một vật gì. Quy luật này cũng được áp dụng đối với những người thuận tay trái.
– Khi đến thăm gia đình người Malaysia, bạn nên để giày dép ở phía ngoài trước khi vào nhà và không nên từ chối khi được mời bánh ngọt, nếu bạn từ chối thì sẽ cho là mất lịch sự. Nên nhớ chỉ sử dụng tay phải và phải rửa tay trước khi ngồi vào bàn ăn.
– Bàn chân được xem là không sạch sẽ. Do đó không nên lấy các vật dụng bằng chân. Không nên chỉ chân vào người khác, bạn sẽ phải xin lỗi bất cứ khi nào giày hay mũi giày của bạn chạm vào người khác.
– Bạn có thể bắt chéo chân ngang đầu gối nhưng không được đặt một mắt cá chân lên đầu gối ( chân chữ ngũ). Ngoài ra bạn cũng đừng bao giờ bắt chéo chân khi có sự hiện diện của người trong hoàng gia Malaysia. Không nên để chân lên bất kỳ vật gì như bàn.
– Trong văn hóa Malaysia, khi vào các nhà thờ Hồi giáo hay các đền, bạn nên chú ý đến trang phục. Đối với nữ giới nên mặc váy ngang đầu gối hoặc dài hơn và áo dài tay. Ngoài ra tránh mặc áo không tay.
Theo dulichhanoi.vn