Mô hình kinh nghiệm

Diện mạo mới, sức sống mới cho nông thôn Thái Bình.

05 Tháng Mười Một 2018

(PTTD) - Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa đã tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho nông thôn Thái Bình.

Cổng làng xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh: tuyengiao.vn

Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bằng sự nỗ lực đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương.

Thái Bình là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, với hơn 3.200 công trình văn hóa, tín ngưỡng. Để bảo tồn, phát huy giá trị của hàng nghìn công trình văn hóa, những năm qua, địa phương luôn nỗ lực tu tạo các di tích, giữ gìn giá trị văn hóa của các di tích đồng thời góp phần tăng nguồn ngân sách từ hoạt động tham quan du lịch về cho địa phương.

Bên cạnh đó, còn đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao và thắt chặt thêm tình đoàn kết của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh đã được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động phục vụ quần chúng nhân dân có hiệu quả như: Bảo tàng tỉnh, Nhà Triển lãm Thông tin, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Nhà Văn hóa Trung tâm, Nhà Văn hóa thiếu nhi, Nhà thi đấu thể dục thể thao đa năng, Trung tâm Huấn luyện Thể dục thể thao… Các thiết chế đều thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; bồi dưỡng năng khiếu, nhằm nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa và giải trí của nhân dân, thực sự trở thành nơi gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng dân cư.

Tín hiệu đáng mừng từ thực tế xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cho thấy, hiện nay, phong trào văn hóa văn nghệ ở nông thôn đang phát triển ngày một sôi nổi, khai thác và phát huy chức năng của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Nhiều đội văn nghệ, câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả tạo ra sân chơi văn hóa lành mạnh cho nhân dân. Song song với đó, phong trào thể dục thể thao quần chúng cũng ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe thể lực, đời sống tinh thần cho nhân dân.

Đặc biệt, từ sự chung tay vào cuộc của các ban, sở, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền, công tác xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng đạt nhiều kết quả, tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Tính bền vững của phong trào xây dựng gia đình văn hóa được nâng lên, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng vững chắc.

Những năm gần đây, phong trào xây dựng gia đinh văn hóa trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng cùng với phong trào thi đua thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực, thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa nói chung, xây dựng gia đình văn hóa nói riêng cùng phát triển.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được chú trọng đều ở các lĩnh vực như xây dựng và giữ gìn nền nếp gia phong, phát triển kinh tế, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xã hội, gia đình hiếu học. Nhiều gia đình hiện nay tuy có nhiều thế hệ chung sống song vẫn giữ được nền nếp gia phong, sống đầm ấm, hạnh phúc dưới một mái nhà, nuôi dạy con cháu thành đạt, tình nghĩa thủy chung, thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa đã tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho nông thôn Thái Bình, huy động sức mạnh tổng hợp của mọi người dân vào việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa nông thôn Thái Bình, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, văn hóa nông thôn đang đứng trước nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức. Nhưng dù biến đổi thế nào, thì với những gì hiện có, văn hóa nông thôn Thái Bình vẫn giữ được cho mình những giá trị văn hóa bền vững, thể hiện ở sự đồng thuận và nhiệt tình hưởng ứng của người dân trong việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa cá nhân, xây dựng các danh hiệu văn hóa, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng... Đó là những nền tảng cơ bản tạo nên sức mạnh nội sinh, gắn kết cộng đồng, xây dựng và phát triển văn hóa nông thôn tỉnh nhà ngày càng đi vào chiều sâu.

Tra cứu văn bảnHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhTinh thần ngày giải phóng Miền nam 30/04/1975 và ngày Quốc tế lao động 01/05 bất diệtTrang tin điện tử Cục Văn hóa cơ sở
Lượt truy cập: 39.371