(PTTD)- Tình yêu quê hương và niềm đam mê với dòng gốm truyền thống đã trở thành động lực để một người trẻ tuổi như nghệ nhân Trần Mạnh Thiều kiên trì tiếp bước các thế hệ ông cha trong hành trình khôi phục và phát triển lại dòng gốm quê hương.
Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, được biết đến là một làng nghề cổ truyền chuyên sản xuất gốm. Khác với các dòng gốm khác, gốm Phù Lãng có sắc thái riêng với nét đặc trưng nổi bật là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong.
Các sản phẩm gốm Phù Lãng thể hiện được nét bình dị, mộc mạc mà vẫn mang đậm văn hóa truyền thống. Chính vì thế, dòng gốm này được đông đảo người dân ưa chuộng và nghề gốm khi đó đã giúp biết bao gia đình tại xã Phù Lãng thoát nghèo, có công ăn việc làm ổn định.
Thế nhưng, dưới sức ép của kinh tế thị trường cùng sự biến đổi không ngừng của công nghệ, hàng loạt sản phẩm thay thế đã xuất hiện, gốm Phù Lãng phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Số lượng sản phẩm gốm Phù Lãng vì thế mà khó tiêu thụ, hàng chục gia đình làm gốm khi đó đã phải chuyển nghề.
Là một người con của vùng đất Phù Lãng, chứng kiến những nguy cơ của nghề gốm – cái nghề đã làm nên thương hiệu gắn bó với người dân nơi đây, Trần Mạnh Thiều không khỏi đau xót. Anh sớm nhận thức được rằng, mình cần phải làm gì đó để vực dậy dòng gốm quê hương.
|
(Ảnh: Sở VHTTDL Bắc Ninh cung cấp) |
Bằng sự tìm tòi và nỗ lực học hỏi, Thiều đã vận dụng nhiều chính sách kinh tế mở để đưa ra những ý tưởng mới. Anh nhận thấy sự quan trọng của việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, tiểu thủ công nghiệp trong nông thôn.
Vào năm 2003, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Thiều trở về quê hương lập nghiệp. Anh cùng với những người bạn cùng niềm đam mê thành lập Cơ sở sản xuất Gốm mỹ nghệ Phù Lãng. Xưởng tập trung sản xuất các sản phẩm chính là đồ gốm trang trí nội thất, sân vườn. Tuy nhiên, do điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn nên những con người trẻ tuổi này đã phải nỗ lực gấp hai, gấp ba lần để có thể đảm bảo được tiến độ và chất lượng của từng sản phẩm. Thiều cùng những người bạn của mình đã tự mày mò để tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo từ chất liệu, màu sắc đến hình dáng. Một thời gian sau, xưởng được mở rộng quy mô và đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, hoạt động sản xuất từ đó cũng được tiến hành khoa học và hiệu quả hơn. Sản phẩm của cơ sở đã được nhiều thị trường đón nhận.
Không dừng lại tại đó, với ước mơ mang trí tuệ Việt đi chinh phục thương trường Quốc tế, tháng 12 năm 2005, Thiều và các thành viên trong cơ sở quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trí Việt. Chỉ sau 1 năm thành lập, năm 2006, doanh thu của Công ty đã đạt 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục thanh niên và lao động mùa vụ.
|
(Ảnh: Sở VHTTDL Bắc Ninh cung cấp). |
Đặc biệt, những sản phẩm của Trần Mạnh Thiều không chỉ được xuất hiện trên nhiều tỉnh thành trong nước mà còn được các thị trường “khó tính”, trong đó có Nhật Bản và Tây Âu chấp nhận.
Với những đóng góp cho quê hương cùng những thành công trên con đường sự nghiệp, Trần Mạnh Thiều đã được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2007 của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - nhằm tôn vinh những cá nhân có sáng kiến trong kinh doanh, có nhiều hoạt động hỗ trợ đoàn đội, giúp đỡ các gia đình chính sách, giải quyết việc làm cho lao động ở các vùng nông thôn…
Anh cùng nhiều nghệ nhân trẻ khác trong làng đã tạo ra một thế hệ nghệ nhân mới, góp phần thổi làn gió mới để tiếp nối và phát triển nghề gốm cổ của cha ông.
D.H (t/h)