(PTTD) - Trong thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) ở Quảng Nam đã cổ vũ, nhân rộng mô hình tiên tiến và góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Ảnh minh họa (nguồn: Hà Nội Mới)
Năm 2000, Quảng Nam là địa phương được chọn làm nơi phát động Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Sau 18 năm triển khai thực hiện, phong trào đã không ngừng phát triển, thực sự đi vào cuộc sống, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; động viên cộng đồng chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phát triển kinh tế xã hội.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp phù hợp nên phong trào xây dựng GĐVH trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được các hiệu quả thiết thực, thể hiện ở các mặt: gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước của địa phương, gia đình hòa thuận, hạnh phúc tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng, tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt chất lượng, hiệu quả.
Đặc biệt, trong thời gian qua, phong trào xây dựng GĐVH ở Quảng Nam đã cổ vũ, nhân rộng mô hình tiên tiến và góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Thông qua phong trào, các gia đình đã tự ý thức nghĩa vụ công dân, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như quy ước, hương ước của cộng đồng. Có thể nói, phong trào đã tác động tích cực phát huy tiềm năng to lớn của gia đình; giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tại Quảng Nam, đến nay có 350 nghìn gia đình được công nhận GĐVH (tỷ lệ gần 88%), tập trung chủ yếu ở Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc… Hầu hết các hộ đăng ký xây dựng GĐVH chủ động trong phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo,...
Xây dựng GĐVH được xác định là nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều năm nay, việc thay đổi, bổ sung các tiêu chí về xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được quan tâm. Theo đó, nhiều mô hình “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “gia đình hòa thuận”, “gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”… ra đời và phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, tạo nên những nét đặc trưng riêng trong công tác xây dựng GĐVH.
Hầu hết GĐVH là những gia đình gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương; vợ chồng, ông bà, cha mẹ, con, anh, chị, em yêu thương đùm bọc lẫn nhau; vai trò của người phụ nữ ngày càng được đề cao, người già, tàn tật được chăm sóc, trẻ em được tạo mọi điều kiện để vui chơi, học tập và phát triển; ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, hàng xóm, láng giềng; quan tâm giúp đỡ người khác trong những lúc khó khăn, hoạn nạn”.
Đối với khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ xây dựng và vận động thực hiện tốt các tiêu chuẩn GĐVH, đồng bào nhận thức đúng đắn hiệu quả của phong trào, những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được xóa bỏ; quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình ở khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đáng kể vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.