(PTTD) - Từ xa xưa, nền nông nghiệp lúa nước đã trở thành văn hóa chủ đạo trong tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng của cộng đồng nông thôn Việt Nam. Văn hóa lúa nước một thời từng là nền văn minh, đem lại sự ấm no, thịnh vượng cho cả dân tộc. Ngày nay, trên nền tảng văn hóa ấy, công cuộc tái câu trúc ngành nông nghiệp đang diễn ra tích cực, đem lại sự thay đổi nhanh chóng diện mạo của Nông nghiệp- Nông dân- Nông thôn Việt Nam.
Nhân dân thôn Khe Đảng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) làm đường bê tông nông thôn. Ảnh: Thùy Linh/BaoTuyenQuang
Cách đây đúng 10 năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26 về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn, đánh dấu một bước quan trọng về mặt nhận thức cả về lý luận và thực tiễn về các chủ thể cấu thành không chỉ vấn đề kinh tế mà cả vấn thể chế, hệ thống chính sách và văn hóa trong xây dựng nông thôn Việt Nam. Nghị quyết đã chỉ rõ “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”.
Nói đến văn hóa nông nghiệp phải kể đến văn hóa vùng nông thôn và văn hóa của giai cấp nông dân, khi phần lớn lao động của nước ta vẫn là là lao động nông nghiệp, tính chủ đạo của văn hóa, không chỉ là hồn cốt mà còn mang tính dẫn dắt, định hướng, thúc đẩy, gắn kết các yếu tố, nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Nói đến nông nghiệp là nói đến nông dân và nông thôn và ngược lại, cả ba chủ thể này không thể tách rời nhau chính là chỉnh thể của nền văn hóa nông nghiệp. Nhìn từ góc độ văn hóa, kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn có sự đóng góp không nhỏ của phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nhất là văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.
Một trong những nội dung quan trọng của phong trào xây dựng đời sống văn hóa là hoạt động hỗ trợ, tương trợ, giúp đỡ ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thị trường, liên doanh, liên kết tạo ra các vùng, liên vùng; các chuỗi sản xuất; trong xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu nông sản; trong xây dựng và bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn và trong xây dựng chính sách về nông nghiệp…cho thấy tính toàn diện của phong trào. Thực tế ở những địa phương làm tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa thì ở nơi đó, sự đổi thay về nông nghiệp theo định hướng tái cấu trúc được thực hiện rất thuận lợi và đem lại hiệu quả rất cao. Tính đoàn kết, chia sẻ, trách nhiệm giữa các thành viên, các hộ gia đình, rộng hơn nữa là các vùng chuyên canh đều tạo nên sức cạnh tranh lớn, lành mạnh, tạo được dấu ấn trên thị trường như các tỉnh Hưng Yên với sản phẩm nhãn; Bắc Giang, Hải Dương với sản phẩm quả vải, Đắc Lắc với sản phẩm cà phê, Sơn La với sự thay đổi ngoạn mục từ cây lương thực sang cây ăn quả chất lượng cao… Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản bứt phá nhanh, tạo nêu những cú hích rất mạnh mẽ thúc đẩy hàng nông sản Việt Nam hội nhập sâu, rộng, tạo nên ảnh hưởng lớn trên thị truồng quốc tế.
Những kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn và 7 năm thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng lên 26,25%, tỷ trọng giá trị chăn nuôi tăng lên mức 27,2% năm 2017, đưa tăng trưởng GDP năm 2017 ngành Nông nghiệp đạt 2,66%, quy mô GDP của cả ngành tăng gấp 1,25 lần năm 2008. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển đổi tích cực. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng được nhiều sự ủng hộ, đến hết năm 2017, có 3.595 xã và 56 huyện xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp được đẩy mạnh một cách hiệu quả, 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo có chứng chỉ là 13,7%, tăng 5,5% so với năm 2008 .
Xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn chính là khoác lên bộ mặt nông thôn những giá trị về tinh thần mới, vừa mang tính nhân văn, giá trị truyền thống, vừa mang tính hiện đại dựa trên sự kế thừa, chắt lọc văn hóa của nền nông nghiệp hiện đại. Người nông dân dần làm quen, làm chủ phương thức lao động nông nghiệp mới, dần xóa bỏ tư duy tiểu nông, tự cung, tự cấp; không còn lối suy nghĩ sản phẩm nông nghiệp kiểu chợ làng, chợ quê mà phải vươn ra thị trường quốc tế. Văn hóa nông thôn không những không bị xáo trộn mà vẫn giữ được giá trị truyền thống và bổ sung những giá trị mới, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Hơn thế, xây dựng đời sống văn hóa cũng chính là tạo ra đề kháng tự thân để chọn lọc, tiếp thu và phát triển các giá trị văn hóa mới, làm cho cộng đồng làng xã ngày càng gắn bó, đoàn kết thúc đấy việc thực hiện chủ trương, chính sách tái cơ cấu nông nghiệp nhanh hơn, bền vững hơn.
Đồng hành với xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương tái cấu trúc ngành nông nghiệp, phong trào xây dựng đời sống văn hóa càng khẳng định vai trò thiết yếu của mình như một nhân tố thứ tư hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, để xây dựng đời sống văn hóa thật sự gắn kết hơn nữa, thúc đẩy tích cực hơn nữa công cuộc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp, càng ngành, nhất là ngành chức năng cần quan tâm sâu hơn, đầu tư xứng tầm mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển, và thực sự đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp của nước ta./.
Lê Thảo