(PTTD) - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động lớn mang tính toàn dân, toàn diện, với mục đích nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, môi trường tự nhiên và xã hội, theo những tiêu chí hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Để truyền thông về công tác “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của Tỉnh Đắk Nông, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Công Việt – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề này.
Sức lan tỏa của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã rộng khắp đến từng gia đình, từng thôn, bon, buôn, bản,... tỉnh Đắk Nông. Ảnh minh họa (nguồn: dantocvamiennui.vn)
PV. Một trong những kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo trong năm 2018 là tiếp tục thực hiện kiểm tra cơ sở thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Tổ chức Hội nghị giao ban cụm triển khai, thực hiện Phong trào… là địa phương điển hình thực hiện tốt phong trào trong những năm qua, Ông có đóng góp gì cho kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo trong năm 2018 và các năm tiếp theo để ngày càng hiệu quả?
Để tiếp tục thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong năm 2018, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã tham mưu cho đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo ban hành kế hoạch số 202/KH-BCĐ, ngày 03/5/2018 của Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh về việc triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong đó, tiếp tục thực hiện Phong trào với 5 nội dung: Đoàn kết giúp nhau “Xóa đói giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh;Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; Xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Và 7 Phong trào, cụ thể: Phong trào xây dựng gia đình văn hóa;Phong trào xây dựng thôn, bon, buôn, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Phong trào học tập, lao động sáng tạo; Phong trào xây dựng gương “Người tốt, việc tốt”...
Để thực hiện có hiệu quả Phong trào trong những năm tiếp theo, trước hết phải nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí trong Phong trào theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 27/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc ban hành Quy định một số tiêu chí và mức đạt của một số tiêu chí công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị đạt chuẩn văn minh đô thị; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Hướng dẫn số 674/HD-BCĐ ngày 04/11/2014 của Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh, về việc hướng dẫn tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa; thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Chú trọng các tiêu chí về xây dựng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần cho nhân dân, xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trong Phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, bon, buôn, tổ dân phố văn hóa.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 464/KH-UBND ngày 18/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về thực hiện Đề án truyền thông về phát triển Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình số 4650/CTr-BCĐ ngày 13/9/2016 của Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh, về việc nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020.
PV. Là địa phương điển hình thực hiện tốt phong trào trong những năm qua, Ông cho biết những kết quả cụ thể đã đạt được trong sự phối hợp này. Ngoài Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đứng trên góc độ là những người tổ chức thực hiện tại cơ sở Ông có đề xuất góp ý gì cho sự phối hợp này ?
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, đã tác động tích cực vào đời sống kinh tế - xã hội, làm chuyển biến bộ mặt đô thị, vùng nông thôn. Đời sống văn hoá nhân dân ngày càng khởi sắc, hộ nghèo giảm, hộ giàu tăng, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, tình làng nghĩa xóm được phát huy, các hoạt động thể dục thể thao được quan tâm đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tâm lý, thói quen trong mọi tầng lớp nhân dân, khắc phục những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, góp phần hình thành nếp sống văn hóa, văn minh. Số lượng và chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được nâng lên. Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới đến 30/6/2018 có 46/61 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa, đạt 75,4% và tăng 15 xã so với cuối năm 2015.
Đứng trên góc độ là những người tổ chức thực hiện tại cơ sở, tôi có đề xuất như sau: Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức thực hiện tốt các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cho nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa, no ấm, hạnh phúc, tiến bộ; xây dựng khu dân cư văn hóa.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng, thực hiện tốt hương ước, quy ước và pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Tham gia kiểm tra, xử lý hương ước, quy ước không còn phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật.
PV. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thời gian vừa qua tại địa phương có sức lan tỏa như thế nào? kết quả đạt được?
Sức lan tỏa của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã rộng khắp đến từng gia đình, từng thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố và các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể ban vận động xây dựng đời sống văn hóa được thành lập 786/786 thôn. Hàng năm, các ban vận động này đề có kế hoạch tổ chức phát động, đăng ký, vận động nhân dân triển khai xây dựng gia đình văn hóa và thôn văn hóa đến từng hộ gia đình. Nhờ đó, số lượng và chất lượng gia đình văn hóa không ngừng nâng lên.
Về kết quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 108.779/139.895 (đạt 77,76%) số gia đình văn hóa; 598/789 thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố văn hóa (đạt 75,79%); 835/935 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, đạt 89,30%, vượt 2,30% so với kế hoạch đề ra năm 2016 là 87%; 21/71 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa , đạt 29,58%. Ước thực hiện Phong trào năm 2018: 78% gia đình văn hóa, 30% xã, phường, thị trấn VH, 73 % thôn, bon, TDP VH, 88,8 % cơ quan, đơn vị đạt VH.
PV. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của địa phương có những kế hoạch và công tác cụ thể gì để phong trào ngày càng được hiệu quả?
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo sự chuyến biến mạnh mẽ trong Phong trào, Ban chỉ đạo của tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban chỉ đạo cấphuyện thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Phổ biến, quán triệt, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 tại Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào xây dựng gương “Người tốt, việc tốt”; tạo hạt nhân tích cực cho Phong trào, góp phần xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh; xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (theo Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 19/01/2015 về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông).
Xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Chú trọng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, bon, buôn, tổ dân phố văn hóa.
Tăng cường nguồn lực về con người và cơ sở vật chất, nhất là thiết chế văn hóa cơ sở và các hình thức sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, thể thao đồng bộ cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, nội dung hình thức hoạt động và thu hút người dân tham gia.
Xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án truyền thông về phát triển Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai các hoạt động theo nội dung Đề án, đảm bảo nguồn kinh phí theo Thông tư liên tịch số 144/2014/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/9/2014 của Liên Bộ: Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Thực hiện công tác bình xét, công nhận gia đình văn hóa; thôn, bon, buôn, bản văn hóa; cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí công nhận, không chạy theo số lượng, tránh tình trạng bệnh thành tích, công nhận các danh hiệu văn hóa nhưng chưa đảm bảo chất lượng.
Giữ vững và phấn đấu thực hiện Phong trào đạt các chỉ tiêu 2020: 80% gia đình văn hóa; 75% thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 30% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa.
Theo dõi, hướng dẫn cơ sở triển khai Kế hoạch phát triển văn hoá nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2016, định hướng đến năm 2020.
PV. Đẩy mạnh công tác truyền thông cho “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tuyên truyền sâu rộng những mô hình, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Vậy Ông có những để xuất gì bổ sung cho hoạt động truyền thông của Phong trào?
Trước hết phải xác định công tác truyền thông là một nhiệm vụ quan trọng của phong trào. Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Phong trào, thường trực Ban chỉ đạo tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch 464/KH-UBND tỉnh ngày 18/10/2016 về việc thực hiện Đề án truyền thông về phát triển “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn toàn tỉnh.
Trên cơ sở kế hoạch này Sở đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau. Ban chỉ đạo phong trào tỉnh, Ban chỉ đạo các huyện, thị xã đã phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và Báo Đắk Nông, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã thường xuyên tuyên truyền về Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” dưới nhiều hình thức cụ thể như: bài viết, phóng sự nêu gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; các chuyên mục, chuyên đề có nội dung tuyên truyền, phổ biến thực hiện các phong trào thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp cán bộ, nhân dân tham gia thực hiện.
Ngoài ra, thông qua các hoạt động tuyên truyền bằng pano, các hoạt động văn hóa - văn nghệ để nâng cao nhận thức của người dân về cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá.
Lê Hiền (thực hiện)