Tin tức - Sự kiện

Xây dựng văn hóa ứng xử trong môi trường Chính phủ điện tử

20 Tháng Mười Một 2018

(PTTD) - Gắn văn hóa ứng xử của cá nhân, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong môi trường Chính phủ điện tử (CPĐT) với xây dựng gia đình văn hóa, cộng đồng văn hóa chính là sự hỗ trợ, tương tác giữa các thành viên trong gia đình, rộng hơn là trong cộng đồng và toàn xã hội.

Ảnh minh họa (nguồn: Khoa học và Phát triển)

Để làm cho CPĐT phát triển, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương, đòi hỏi nhận thức của người dân từ thành phố đến nông thôn, từ đô thị đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cần được trang bị những hiểu biết, đủ để mỗi người dân đủ năng lực để thực hiện các tương tác trong môi trường chính quyền điện tử. Muốn làm được điều này, Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, trước hết cần nhận thức được đầy đủ những tác động của môi trường CPĐT với đời sống văn hóa gia đình và cộng đồng.

Trước hết, là việc ứng xử của mỗi chủ thể - người dân khi tương tác với chính quyền trong môi trường CPĐT; đòi hỏi mỗi người dân phải hiểu đầy đủ các dấu hiệu, yêu cầu mặc định của hệ thống công nghệ thông tin. Người dân cần có ý thức ứng xử văn hóa thực hiện tương tác trên trường điện tử và giao dịch điện tử, vì mọi hành vi “không tích cực” đều dẫn đến làm cho tính minh bạch, tiện ích và lợi ích mà người dân được thụ hưởng bị thu hẹp; chưa kể là những tổn thương mà chính bản thân phải gánh chịu mà nó còn làm hoen ố ý nghĩa tốt đẹp của môi trường ảo. Do vậy, để có được nhận thức đầy đủ về trách nhiệm công dân khi tương tác, giao dịch trong môi trường CPĐT, Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cần đẩy mạnh công tác tuyên thông, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân nâng cao hiểu biết, ứng xử văn minh trên môi trường giao tiếp của CPĐT.

Tiếp đến, rất cần có bộ quy tắc ứng xử của công dân với CPĐT; công chức, viên chức với CPĐT làm cơ sở để truyên truyền, vận động, định hướng, hướng dẫn công dân, công chức, viên chức xây dựng văn hóa ứng xử trong môi trường CPĐT. Bộ quy tắc này cần đề cao yếu tố đạo đức công dân, đạo đức công vụ để hạn chế, dần dần loại bỏ những hiện tượng lợi dụng những kẽ hở trong môi trường CPĐT để tư lợi, vi phạm pháp luật. Đặc biệt trong thực hiện tương tác giữa mạng xã hội với CPĐT cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng để hạn chế tối đa những sai sót dù cố ý hay vô tình tạo ra trên không gian của CPĐT. Đối với công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần bổ sung vào chuẩn mực đạo đức công vụ các tiêu chí về đạo đức trong môi trường CPĐT, có như vậy mới nâng cao được chất lượng phục vụ nhân dân, nâng cao được giá trị, tiện ích của một Chính phủ hiện đại, kiến tạo, liêm chính.

Gắn văn hóa ứng xử của cá nhân, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong môi trường CPĐT với xây dựng gia đình văn hóa, cộng đồng văn hóa chính là sự hỗ trợ, tương tác giữa các thành viên trong gia đình, rộng hơn là trong cộng đồng và toàn xã hội thể hiện sự tôn trọng các giá trị riêng, giá trị truyền thống trên không gian mạng mà trước hết là sự tôn trọng và thực thi pháp luật. Có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ, nâng cao hiểu biết cho mọi thành viên của gia đình và cộng đồng về nội dung xây dựng đời sống văn hóa trong môi trường số, môi trường hội nhập và trong tham gia tương tác với CPĐT. Phát huy tiện ích của CPĐT đi đôi với cùng tham gia giáo dục, đấu tranh chống các hành vi đi ngược lại các giá trị tốt đẹp của CPĐT đem lại dần trở thành việc làm thường trực trong đời sống của người dân. Xây dựng môi trường văn hóa trong đời sống hiện thực cũng chính là trách nhiệm xây dựng môi trường văn hóa trên không gian ảo để tôn vinh, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của con người, đất nước Việt Nam, từ đó hoàn thiện các giá trị tốt đẹp, bền vững trong hội nhập quốc tế.

Xây dựng văn hóa ứng xử của người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức trong môi trường CPĐT là yêu cầu đi cùng với quá trình hoàn thiện thể chế và hạ tầng công nghệ thông tin. Vì vậy, Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa cần thể hiện vai trò trung tâm, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vừa kế thừa các giá trị truyền thống, vừa chọn lọc, phát triển các giá trị hiện đại, để mỗi người dân trở thành một hạt nhân quan trọng, góp tay xây dựng CPĐT mà lợi ích đem lại đúng với tôn chỉ, mục đích đặt ra, từ đó cùng với Chính quyền các cấp xây dựng bộ máy, tổ chức ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Lê Thảo

Tra cứu văn bảnHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhTinh thần ngày giải phóng Miền nam 30/04/1975 và ngày Quốc tế lao động 01/05 bất diệtTrang tin điện tử Cục Văn hóa cơ sở
Lượt truy cập: 39.371